Phim Ròm, đạt giải thưởng New Currents – giải cao nhất tại LHP quốc tế Busan 2019, cuối cùng đã có giấy phép phát hành tại quê hương. Tin từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) cho biết, bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy ngày 31.3 đã được cấp phép phát hành.
Bạn đang đọc: Phim Ròm có giấy phép phát hành sau khi bị phạt tiêu hủy
Bộ phim này được gắn giới hạn độ tuổi là C18. Trước đó, hội đồng duyệt phim đã xem phim vào ngày 30.1. Bản phim cũng đã có những chỉnh sửa nhất định so với bản gửi duyệt lần trước. Hồi cuối năm 2019, bộ phim đã gây nóng dư luận khi được giải New Currents – giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 (BIFF, diễn ra từ ngày 3 – 12.10.2019 tại Hàn Quốc). Cùng với phim Haifa Street (phim hợp tác giữa Iraq – Qatar), Ròm đã vượt qua 299 phim đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giành giải thưởng này.
Điều đáng nói là thời điểm đó, Ròm chưa hề được cấp phép chiếu ở Việt Nam. Do đó, việc phim dự thi là trái với pháp luật Việt Nam.
Sau đó, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã quyết định xử phạt Công ty Cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê, nhà sản xuất phim Ròm, 40 triệu đồng vì gửi phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan khi chưa được cấp phép, đồng thời buộc nhà sản xuất tiêu hủy tang vật vi phạm là bản phim gửi tham gia liên hoan phim.
Trần Thanh Huy, đạo diễn phim Ròm, chia sẻ ở thời điểm cuối 2019: “Thiệt ra, lúc đầu tụi tôi làm phim, tôi luôn nghĩ là phim chắc chắn sẽ chiếu ngoài rạp. Phim chúng tôi làm ra không có sex, không chính trị, cũng không có câu chuyện như xã hội đen đánh đập giết chóc… Có người nói phim của tôi ở Liên hoan phim Busan do vấn đề chính trị mới được giải thưởng. Chuyện đó không đúng. Ban giám khảo có nói với tôi, khi chấm họ cũng không biết phim có vấn đề gì ở Việt Nam hết. Tôi đề cập đến việc đó để không ảnh hưởng công sức của những người dùng 6 – 7 năm cuộc đời cùng tôi đi làm phim”.
Vụ việc của Ròm thời điểm cuối năm 2019 đã làm dấy lên tranh luận về cách thức kiểm duyệt phim tại Việt Nam. Theo đó, nhiều chuyên gia và người làm điện ảnh cho rằng, hiện cách duyệt phim vừa cẩu thả, vừa cứng nhắc khi can thiệp sâu vào nội dung của nhiều bộ phim trong nước nhưng lại quá lỏng lẻo khi duyệt phim nước ngoài.
Hai ví dụ được đưa ra nhiều lần để chứng tỏ sự lỏng lẻo chính là việc 2 lần phim có thông điệp sai trái về biển đảo được chiếu rạp trên toàn quốc là phim Điệp vụ Biển Đỏ và Everest – người tuyết bé nhỏ.
Theo Thanh Niên
>>>>>Xem thêm: Review phim Morbius: Ma cà rồng mới của Marvel có gì hot?