Với khuynh hướng thường thấy của hầu hết phim kinh dị xuất xứ từ Hollywood những năm gần đây, việc dùng hình ảnh xuất hiện bất ngờ hoặc âm thanh giảm tăng đột ngột để gây hù dọa bằng thể thức jump-scare gần như là một mặc định. Thế nhưng phim kinh dị của màn bạc Hoa ngữ lại chọn một hướng đi có phần khác biệt mà vẫn thành công đáng kể, như với loạt phim “Nhà số 81 Kinh Thành II” (The House That Never Dies II – 京城81号Ⅱ).
“Nhà số 81 Kinh Thành II” là phần tiếp nối của “Nhà số 81 Kinh Thành” năm 2014- bộ phim đã lập kỷ lục doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại về thể loại phim Kinh dị của màn ảnh Hoa ngữ, với tổng doanh thu là 64,3 triệu USD sau thời gian công chiếu. Dù gây nhiều tranh cãi ngay tại thị trường Trung quốc theo hơi hướng bị hoài nghi về khả năng của đạo diễn mới đến từ Đài Loan cùng mức độ kinh dị của bản phim người- đến- sau, doanh thu trong ngày đầu tiên công chiếu của “Nhà số 81 Kinh Thành” năm 2017 là 6 triệu USD, sau 4 ngày là 20,8 triệu USD. So ra vẫn không hề quá kém cạnh với bản phim “Nhà số 81 Kinh Thành” năm 2014, với doanh thu trong ngày đầu tiên công chiếu là 7,07 triệu USD, sau 3 ngày là 25,6 triệu USD.
Bạn đang đọc: Nhà Số 81 Kinh Thành – Lối vào những ngôi nhà ma trong phim kinh dị Trung Quốc
CHỌN ĐÚNG NHÀ MA ĐỂ LÀM RA PHIM KINH DỊ
Điều thú vị là thành công ấy càng đáng ghi nhận hơn, nếu biết rằng những người làm phim kinh dị của màn bạc Hoa ngữ thời nay vốn dĩ vẫn còn bị trói chặt khá nhiều với các định chế nhà nước, về việc thực hiện dòng phim này, ở Trung quốc. Bởi lẽ, hiện tại phim kinh dị luôn là một thể loại cực kỳ kén chọn về khả năng phát triển dự án phim ở Trung Quốc, do luật điện ảnh nước này kiểm duyệt rất gắt gao với những nội dung bao gồm “các cảnh giết người, bạo lực, kinh dị, ma quỷ và siêu nhiên”. Cũng theo luật điện ảnh nước này, các cảnh phim có chứa “những cảnh, thoại, nhạc nền hay hiệu ứng âm thanh kinh dị quá đà” đều bị cắt hoặc thay thế! Dễ dàng thấy rõ, với khung qui định như vậy ắt hẳn thể thức jump-scare thuộc về nền tảng “hù dọa bất ngờ” trong các phim kinh dị của Hollywood cũng sẽ khó còn “đất sống” trong phim kinh dị Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh làm nghề khó khăn “trăm bề” ấy, để được cấp phép sản xuất và phát hành phim kinh dị ở Trung Quốc, các nhà làm phim sở tại phải đưa ra một trường hợp giả định về những sự kiện siêu nhiên chứ không miêu tả chúng một cách quá cụ thể trên màn ảnh. Đôi khi một số nhà sản xuất thuộc hàng “con nhà có điều kiện” hơn cũng có thể thuyết phục đúng người ở Hội đồng kiểm duyệt phim Trung Quốc, để từ đó có thể sáng tạo hơn trong cách kể chuyện phim. Chọn bối cảnh đúng cũng là một cách. Chẳng hạn loạt phim “Nhà số 81 Kinh Thành II” kể một câu chuyện trước thời kỳ tiền cộng sản, tức trước năm 1949 của giai đoạn bắt đầu lập quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đặc biệt hơn, không gian của câu chuyện trong loạt phim này hầu như gói gọn trong phạm vi của ngôi nhà số 81 Chanonei, thuộc con phố Chaoyangmen ở Bắc Kinh. Địa điểm này đã từng được nhắc đến trên tờ The New York Times như một trong những “ngôi nhà bị ma ám” nổi tiếng trên thế giới. Điều này chẳng những đã đáp ứng lòng mong mỏi hiếu kỳ của người Bắc Kinh với một địa danh nức tiếng tại địa phương mà còn với đại chúng khắp Trung quốc. Sau khi phim “Nhà số 81 Kinh thành” năm 2014 công chiếu, hơn 500 người mỗi ngày đã đến thăm ngôi nhà hoang ọp ẹp này- ngôi nhà được xây dựng từ năm 1910 như một trường ngôn ngữ Trung Hoa cho người truyền giáo nước ngoài. Chủ nhân của căn nhà, người theo Đạo Công giáo ở Bắc Kinh, đã phải đóng cửa với đám đông, chỉ cho vài người vào thăm một lần.
Tìm hiểu thêm: Đánh giá phim Alice ở xứ sở trong gương – Alice Through The Looking Glass
ĐẰNG SAU VỎ BỌC KINH DỊ LÀ CÂU CHUYỆN MA TÌNH
Ngoài cách lấy cảm hứng từ truyền thuyết về ngôi nhà kinh dị nhất trong 4 ngôi nhà ma ám ở Bắc Kinh này, những người làm phim đã khéo léo khai thác văn hóa huyền bí phương Đông để gây ấn tượng mạnh trong tâm trí khán giả. Từ những chi tiết nổi bật như trẻ sơ sinh, lời nguyền của thai nhi cho đến các yếu tố như sâu bọ trong cơ thể con người, những bí ẩn của linh hồn bên trong một thai phụ, y thư, mê cung ngầm, hộp nhạc dây cót tự xoay gọi ma… đã tạo nên rất nhiều yếu tố bất ngờ cho loạt phim “Nhà số 81 Kinh thành” về chất kinh dị ma mị hướng đến tâm linh.
Trong “Nhà số 81 Kinh Thành” năm 2017 này, có thêm một không gian gây ấn tượng khác với fans của bản phim năm 2014 là khung cảnh ở bệnh viện. Màn đêm yên tĩnh đến rợn người của bệnh viện đã nảy sinh nhiều tình huống không dành cho kẻ yếu tim.
>>>>>Xem thêm: Review phim Đường Về Nhà Của Cún Con – Hành trình lạ thường và đầy cảm xúc của chú cún
Để tạo nên cảm giác chân thật cho người xem, toàn bộ ngôi nhà đã được tổ thiết kế làm việc rất tỉ mỉ với từng đạo cụ nhỏ như thang máy cũ, mặt sàn phủ đầy cành cây và dây leo…
Nhưng trên hết, đàng sau những bước chuẩn bị về thiết kế kiểu cổ trang để làm nền tảng trình diễn việc tạo hình cho không gian đầy tính tâm cảm của “Nhà số 81 Kinh Thành II” , câu chuyện tình xuyên không giữa các nhân vật chính mới là đường dây chủ đạo từ những người làm phim hướng đến cho người xem tìm vào, cùng “lạc trôi” về cõi tâm thức tưởng quen mà vẫn mãi như mới trong góc sâu bản ngã con người: tình và hận. Vì lẽ đó, nhiều khán giả nhận xét rằng đằng sau vỏ bọc kinh dị thì “Nhà số 81 Kinh Thành II” lại là câu chuyện tình yêu bi thương và xúc cảm đến trúc trắc về thân phận con người trong quan hệ luyến ái, bất kể đó là chuyện tình ở thời đại nào.
Nguồn: Thảo Nguyễn – Mê Phim Kinh Dị