Ông Ngoại Tuổi 30 tiếp nối cho một chuỗi phim Việt remake trong năm 2018. Nhiều người lo sợ Trịnh Thăng Bình sẽ không gánh nổi vai diễn “ông ngoại” trong bộ phim này bởi vì số lượng vai diễn của anh chưa nhiều, kinh nghiệm diễn xuất không dày bằng các bậc đi trước; thực sự thì lo lắng này hoàn toàn có căn cứ khi Trịnh Thăng Bình trước kia chỉ tham gia ca hát là chủ yếu.
Nội dung phim
Chắc chắn nhiều bạn đã xem Ông Ngoại Tuổi 30 phiên bản Hàn (Speed Scandal) rồi, nên cũng không cần phải “che đậy” nội dung làm gì. Bộ phim kể về anh chàng phát thanh viên Sơn Huy, ở cái tuổi ba mươi mà anh ta đã có cuộc sống hằng mơ ước với nhà sang, sự nghiệp ổn định, và thậm chí có cả cô nhân tình nóng bỏng nữa. Thế rồi một ngày đẹp trời nọ, có một cô gái dắt theo đứa con trai tới, tự nhận mình là con và cháu của anh. Từ một cuộc sống thoải mái, tự do, Sơn Huy bị gò bó trong cuộc sống gia đình khi “một bước lên tiên” – bỗng dưng phải đóng vai một người cha, một người ông trong khi bản thân không hề có một chút kinh nghiệm gì cho chuyện đó cả. Tệ hơn nữa, sự nghiệp làm phát thanh viên của anh có thể bị hủy hoại nếu scandal có con rơi và cháu ngoại lộ ra ngoài. Đứng trước tình cảnh khó khăn đó, chàng phát thanh viên 30 tuổi phải đắn đo suy nghĩ xem có nên nhận lấy gia đình bé nhỏ này hay không.
Bạn đang đọc: Đánh giá phim Ông Ngoại Tuổi 30 – hài hước nhưng vẫn còn đơ lắm
Thực chất thì để khen phim này cũng hơi khó, vì nó còn nhiều điểm yếu về diễn xuất, phần hình ảnh cũng tệ, những yếu tố này một chút nữa Khen Phim sẽ trình bày sau, còn giờ sẽ tập trung vào nội dung. Đề tài tình cảm gia đình, rồi người trong showbiz xâu xé nhau không phải là chuyện hiếm, nhiều bộ phim đã nói về vấn đề này rồi. Kịch bản của Ông Ngoại Tuổi 30 được mua từ phía Hàn Quốc, nên hiển nhiên là nó ổn, không có gì phải phàn nàn ngoài chuyện hơi cũ một chút, nhưng mà kệ, cũ nhưng không quá lạc hậu.
Khi Việt hóa kịch bản, các nhà làm phim Việt Nam đã làm giảm đi một phần nhỏ sự “ngổ ngáo” của người con gái, trong bản gốc thì ở đoạn đầu bạn có thể thấy cô này trêu ngươi người cha của mình kha khá, nhưng ở bản Việt thì nhân vật này lại ngoan hơn nhiều. Các yếu tố khác cũng được Việt hóa, tuy không nhiều, một số đặc trưng được giữ lại, điển hình như là mái tóc của cậu nhóc dễ thương.
Diễn viên và diễn xuất
Kiều Trinh mang một vẻ đẹp trẻ trung, tươi tắn của giới trẻ, tuy nhiên khi lên phim thì khả năng diễn xuất không được tốt lắm. Các câu thoại vẫn còn thiếu sự biểu cảm, ví dụ như khi cô này cãi nhau với người cha trước khi bị đuổi ra khỏi nha. Việc khóc lóc ở đoạn này là thiếu chân thật và chưa đủ để gợi lên sự quan trọng của tình phụ tử. Còn lại ở các phân cảnh khác, Kiều Trinh diễn rất tự nhiên, tạo được dấu ấn riêng nhờ khuôn mặt xinh xắn của mình.
Ông Ngoại Tuổi 30 chính là phim điện ảnh đầu tiên mà Trịnh Thăng Bình tham gia diễn xuất và đảm nhận vai chính nhưng đã thể hiện được tốt khả năng diễn của anh. Tuy vậy đôi lúc Trịnh Thăng Bình vẫn không “bung” hết được cảm xúc của mình qua từng câu thoại, có cảm giác như điều gì đó đang chặn lại mạch cảm xúc, hoặc đơn giản là kinh nghiệm diễn xuất của anh chưa nhiều mà thôi.
Tìm hiểu thêm: Review phim Nhân Duyên Tiền Đình: Cười thật đã!
Đáng yêu nhất và có lẽ cũng thu hút sự chú ý nhiều nhất đó chính là bé Coca Hoảng Gia Bảo với vai diễn đứa cháu ngoại dễ thương nhưng cũng không kém phần nghịch ngợm, quậy banh căn nhà của ông ngoại lên và bao lần khiến cả ông và mẹ phải khốn đốn.
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo
Trước tiên, Khen Phim xin phê bình phần hình ảnh của Ông Ngoại Tuổi 30. Thứ nhất là nhiều cảnh quay không đẹp về mặt màu sắc cũng như ánh sáng, thứ hai là quá nhiều cảnh xuất hiện nhiễu, mặc dù ánh sáng chỉ hơi hơi thiếu mà thôi. Với một màn hình nhỏ như máy tính bảng hay điện thoại thì chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua nhiễu hình ảnh do thiếu sáng, tuy nhiên với một phim điện ảnh, được chiếu ở kích cỡ màn chiếu lớn thì đây là một sự thất bại. Ở những cảnh tối, như lúc cha và con gái cãi nhau, nhiễu xuất hiện cực kỳ rõ và gây khó chịu, đỉnh điểm là lúc mà nhân vật Sơn Huy đi vào phòng và chưa bật đèn, bạn sẽ có cảm tưởng như cảnh này được quay bằng một chiến điện thoại di động tầm trung chứ không phải là những chiếc camera chuyên nghiệp. Có lẽ đoàn làm phim đã dành tiền để thuê flycam và quay cảnh cuối phim chăng, vì cảnh này nhìn rất đẹp, sắc nét và màu sắc tươi tắn hơn hẳn so với các cảnh quay ở mặt đất. Ở khâu âm nhạc, ca khúc Tâm Sự Tuổi 30 do Trịnh Thăng Bình thể hiện không dở, nhưng cũng không có gì đặc sắc để khán giả có thể lưu tâm sau khi xem phim.
Vậy thì có nên xem Ông Ngoại Tuổi 30 hay không?
Có vẻ như hiện tại thì phim remake do CJ CGV đầu tư sẽ vẫn có chất lượng nhỉnh hơn một chút. Còn Ông Ngoại Tuổi 30 đến từ một nhà sản xuất khác nên sẽ vẫn có những yếu kém ở khâu hình ảnh, diễn xuất. Nhưng mà mọi thứ không quá tệ, nội dung phim vẫn ổn (mua bản quyền mà), diễn xuất không tệ đến mức muốn đốt rạp, và hơn hết, về mặt ngoại hình thì hai dàn diễn viên của bản gốc và bản Việt đều khá tương đồng nhau. Đây là một bộ phim mà bạn xem hay không cũng được, nó không quá xuất sắc để được xếp vào hạng “phải xem”.
>>>>>Xem thêm: The Shallows – Vùng vẫy trong vũng nước tử thần
Ông Ngoại Tuổi 30
Nội dung – 6.5
Diễn viên và diễn xuất – 7
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo – 6
6.5
ỔN
mọi thứ không quá tệ, nội dung phim vẫn ổn (mua bản quyền mà), diễn xuất không tệ đến mức muốn đốt rạp.
MUA VÉ
User Rating:
4.6
( 1 votes)