Thạch Thảo gợi lại cho khán giả nhiều ký ức về tuổi thơ, về cái thời cùng bạn bè quậy banh trường mà chẳng hề sợ một ai. Tụi con trai thì cùng nhau trèo núi băng rừng để đi chơi, mấy đứa con gái thì đánh lộn banh chành để giành trai đẹp. Phim có lồng ghép vào đó một thông điệp rất rõ ràng mà không bị gượng, dù vậy vẫn hơi đáng tiếc vì cách kể chuyện của phim còn dài dòng và khá lấn cấn.
Bạn đang đọc: Đánh giá phim Thạch Thảo – Thanh xuân vẫn còn lấn cấn một chút
Thạch Thảo không chỉ là tên phim (ghép từ tên 2 nhân vật chính) mà đó còn là tên của một loài hoa gợi đến sự chờ mong, nhớ nhung, toát lên vẻ đẹp theo kiểu mong manh dễ vỡ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà thông điệp trong phim lại hướng đến phái nữ là chính. Trong phim, Thảo (Bích Ngọc vào vai) là một cô học trò ngoan, hiền, lễ phép tại một trường học ở Kon Tum, chính vì tính cách hiền lành của mình mà Thảo thường xuyên bị các bạn nữ khác trong lớp ăn hiếp, thậm chí động tay động chân vì sợ Thảo cướp mất trai đẹp. Thạch (Tùng Maru) và thầy Thiết (Khắc Minh) thì lại vừa chuyển từ thành phố về học tại chính ngôi trường mà Thảo đang theo học. Vẻ đẹp trai của hai anh em nhà Thạch – Thiết nhanh chóng thu hút cả các giáo viên và học sinh nữ khác trong trường. Khi mối quan hệ giữa Thạch và Thảo đang dần tiến lên thêm một chút thì cũng là lúc những chuyện luôn ám ảnh Thảo được dần hé lộ. Phần thông điệp này được lồng vào phim rất khéo, liên kết khá tốt với những phần còn lại, tạo cảm giác thoải mái cho khán giả để họ nhận ra cái mà đạo diễn muốn truyền tải một cách tự nhiên.
So với dự án trước đây là Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa thì Thạch Thảo có vẻ không chất lượng bằng, nhất là trong cách kể chuyện, mặc dù cả hai phim đều là của một đạo diễn. Nếu như phim trước có cách dẫn chuyện thu hút bấy nhiêu thì Thạch Thảo lại khá hụt hơi trong khoảng này, phim mang lại cảm giác dài dòng bởi xuất hiện nhiều cảnh thừa, không cần thiết, và có phần hơi vô lý. Nhân vật Thạch dù mượn được chiếc điện thoại còn pin nhưng lại xử trí không khéo léo trong việc tố giác tội phạm, thay vì chụp ảnh lại thì có thể mở bản đồ số và lưu lại vị trí gần bọn tội phạm nhất, từ đó báo cho cơ quan chức năng đến giải quyết. Vị trí của nhóm tội phạm đang hoạt động hoàn toàn có thể nhìn thấy bầu trời nên việc sử dụng GPS hoặc các hệ thống vệ tinh khác để định vị là khả thi. Dù là chụp ảnh hay ghi lại vị trí của bọn tội phạm nhưng nếu chúng đã dọn đi nơi khác mất thì cũng vô dụng, vậy nên phương pháp định vị sẽ an toàn hơn là cách núp trong bụi cây để chụp lén.
Tùng Maru đa phần thể hiện tốt vai diễn của mình, tuy vậy vẫn có một số ít cảnh bị gượng, dù thoại tốt nhưng ánh mắt lại có vẻ như là ngại ngùng điều gì đó, cho dù cảnh phim hiện tại chẳng cần phải diễn xuất ánh mắt kiểu như vậy. Trong khi đó thì Bích Ngọc lại tỏa sáng hơn nhờ vào gương mặt sáng, đẹp dịu dàng mà không chói lóa. Còn người mẫu Mai Ngô lại có dịp thử tài diễn xuất khi nhập vai cô Tổng phụ trách Mi Ngor với tính cách hoàn toàn trái ngược với con người thật của cô.
Bên cạnh những điểm làm chưa tốt trong cách dẫn chuyện thì Thạch Thảo vẫn là bộ phim đáng xem nếu như xét về phần nhìn. Hình ảnh trên phim khá đậm đà nhưng không gây nhức mắt, có lẽ vì những mảng màu chính trong phim chính là màu xanh mướt của núi rừng Tây Nguyên. Cho dù đó là cây cầu, nhà thờ, cánh rừng hay ngọn thác thì khi lên phim đều đẹp, mang một dáng vẻ thanh bình của vùng đất giàu danh lam, thắng cảnh. Những món ăn đặc trưng của người Tây Nguyên cũng được đưa vào phim như món canh cà đắng, hay cơm lam nóng hổi chấm muối – món khoái khẩu của người đi rừng.
Thạch Thảo là phim dành cho những bạn đang còn là học sinh, hoặc những ai đã già và muốn được một tấm vé trở về tuổi thơ để họ cùng bạn bè ra rạp, ôn lại chuyện xưa chuyện cũ và sống lại những giây phút dễ thương của tuổi trẻ. Hiển nhiên là nếu bạn khó tính thì vẫn sẽ cảm thấy không hài lòng với một vài chi tiết mà Khen Phim đã đề cập bên trên.
6,5/10
Thạch Thảo
Nội dung – 6
Diễn viên và diễn xuất – 6.5
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo – 7
6.5
MUA VÉ
User Rating:
2.49
( 4 votes)