Kẻ Du Hành Trên Mây (English: The Aeronauts) là bộ phim tái hiện hành trình bay lên độ cao hơn 11km của nhà khí tượng học James Glaisher nhằm ghi nhận những thông tin trong khí quyển, đặt tiền đề cho việc dự báo thời tiết sau này. Phim do Amazon Studio sản xuất, với sự tham gia diễn xuất của Felicity Jones và “cô gái Đan Mạch” Eddie Redmayne.
Kẻ Du Hành Trên Mây dựa trên nhiều sự kiện có thật liên quan đến khoa học gia James Glaisher (Eddie Redmayne vào vai) và nữ phi công lái khinh khí cầu giỏi nhất nước Anh thời bấy giờ – Amelia Rennes (Felicity Jones). James luôn mong muốn hiện thực hóa việc dự báo thời tiết – một chuyện là hầu hết ai ai thời đó cũng đều nghĩ là quá xa vời, chỉ có trong chuyện viễn tưởng mà thôi. Thế nhưng với đam mê cháy bỏng muốn khám phá bầu trời xanh, James đã xin được tài trợ cho một chuyến bay khinh khí cầu lên tới độ cao kỷ lục hơn 11 km nhằm ghi nhận sự thay đổi của các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm trong không khí. Với Amelia, cô không quan tâm nhiều đến khoa học mà chỉ muốn bay cao, bay xa đến những chân trời mới nhằm thỏa mãn đam mê phiêu lưu của mình.
Bạn đang đọc: Review phim Kẻ Du Hành Trên Mây (The Aeronauts): Kỹ xảo tốt, âm thanh chất
Rất hiếm khi nào một bộ phim chỉ với bối cảnh đơn giản, thậm chí số lượng diễn viên cũng tối giản nhưng lại tạo ra được sức hút mạnh mẽ như Kẻ Du Hành Trên Mây. Đầu phim, nếu ai còn lơ mơ buồn ngủ sau một ngày dài mệt nhoài thì phim sẽ làm bạn tỉnh với cảnh quay khí cầu rung lắc mạnh mẽ giữa những đám mây kèm âm thanh rầm rầm dữ dội. Tiếp sau đó, nữ diễn viên Felicity Jones dường như chiếm trọn trái tim người xem bởi vẻ ngoài cuốn hút trong bộ trang phục của thời điểm khoảng năm 1860. Khả năng diễn xuất không phải là điều cần phải bàn cãi gì bởi cả Eddie Redmayne và Felicity Jones đều là những cái tên chỉ cần nghe qua là biết diễn giỏi, diễn đạt rồi.
Tìm hiểu thêm: Nội dung tập 4 “Sống chung với mẹ chồng”: căng thẳng, hấp dẫn
Suốt gần 2 giờ đồng hồ, khán giả dường như được chu du trên độ cao hàng chục km, với những áng mây lững lờ trôi vừa hiền hòa vừa hung dữ. Có lẽ những người nào mắc chứng sợ độ cao hay dễ bị chóng mặt không nên coi phim này, khi mà gần như toàn bộ thời lượng phim đều diễn ra trên không, và không hiếm những pha leo trèo nguy hiểm đến thót tim của nhân vật phi công Amelia. Từng đám mây, từng bông tuyết hay vẻ đẹp hùng vĩ của những “thác mây” đều được tái hiện chân thật nhất, giống y chang lúc bạn nhìn qua ô cửa sổ máy bay vậy, bởi vì độ cao mà 2 nhân vật trong phim bay tới là cỡ 11 km, tức là rất gần với độ cao mà một máy bay thương mại có thể vươn tới sau khi ổn định độ cao. Mỗi lần có một cơn bão hay nhiễu động nào đó đến từ những đám mây là người xem lại được một lần nín thở vì hồi hộp, âm thanh mạnh mẽ và cực kỳ chi tiết bủa vây lấy phòng chiếu, dồn dập như muốn ép khán giả vào con đường cùng vậy đó, thực sự hấp dẫn luôn.
Thế nhưng ngoài những chuyện hấp dẫn bên trên, chắc chắn sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải mọi diễn biến trong phim đều có thật hay không? Về cơ bản thì đây đúng là người thật, việc thật, nhưng không phải là thật 100%, vẫn có yếu tố hư cấu trong đó để tạo sự kịch tính cho bộ phim. Hầu hết các sự kiện mà bạn được xem đều được lấy ra từ cuốn sách “Falling Upwards: How We Took to the Air” của Richard Holmes. Để tăng thêm sự chân thật, thậm chí đoàn phim đã đưa Felicity và Eddie lên độ cao cỡ 600m và dùng một chiếc trực thăng để ghi lại các cảnh quay đó.
Nhân vật James Glaisher là người thật việc thật, ông là người sáng lập ra Hiệp hội Khí tượng và Hiệp hội Hàng không Vương quốc Anh. Trái lại, dù đóng một vai trò quan trọng trong phim nhưng Amelia lại là sản phẩm của trí tưởng tượng, với hình tượng và tính cách có vẻ như được tổng hợp từ nhiều người khác nhau. Đây có thể được xem như là một cách để truyền cảm hứng sống cho các cô gái trẻ bây giờ, giúp họ tự tin hơn trong việc thể hiện sức mạnh và tầm quan trọng vốn có của phụ nữ trong các đóng góp liên quan đến khoa học.
Tóm lại, dù Kẻ Du Hành Trên Mây chỉ là một bộ phim lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật, sau đó hư cấu thêm tí xíu để đảm bảo rằng phim vừa khiến tim khán giả như muốn rơi khỏi lồng ngực trong khi vẫn giữ được tầm quan trọng về việc James Glaisher là người tiên phong muốn dự báo thời tiết.
The Aeronauts
>>>>>Xem thêm: Đừng Gõ Cửa Hai Lần (Don’t Knock Twice): hay nhưng kết thúc hụt hẫng
7.5
Nội dung
7.0/10
Diễn viên và diễn xuất
7.5/10
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo
8.0/10
Ưu
- Nội dung lôi cuốn
- Diễn xuất tốt
- Âm thanh ấn tượng
- Hình ảnh rất đẹp
Nhược
- Chưa khai thác nhiều về nhân vật James Glaisher