Người Vợ Cuối Cùng là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Victor Vũ, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết tâm linh trinh thám Hồ Oán Hận của tác giả Hồng Thái.
Người Vợ Cuối Cùng lấy bối cảnh vào thế kỷ 19 tại làng quê miền Bắc, xoay quanh chuyện tình ngang trái của Diệu Linh (Kaity Nguyễn vào vai) với anh chàng bắt cua Nhân (Thuận Nguyễn). Xuất thân nghèo khó, Linh phải bất đắc dĩ làm vợ ba của quan tri huyện (Quang Thắng), tưởng đâu sẽ được sung sướng nhưng lúc này trên vai của cô gái trẻ lại phải gánh trọng trách lớn lao là sinh con trai nối dõi cho nhà quan.
Bạn đang đọc: Review phim Người Vợ Cuối Cùng – Cảnh đẹp, đậm drama
Lúc này, bỗng dưng Nhân – tình cũ của Linh xuất hiện và dĩ nhiên tình cũ không rủ cũng tới, họ bắt đầu có những mối quan hệ gian díu mập mờ, cũng từ đó nhiều biến cố khác xảy ra khiến cuộc sống của các nhân vật trở nên rối loạn, chất chứa nhiều hận thù và đau khổ.
Theo thông tin bên lề thì phim này có 2 bản, một bản dài và một bản ngắn. Phiên bản được phát hành có thời lượng 132 phút thì Khen Phim thấy phim có phần đuối ở hồi cuối, drama được đẩy lên cao trào nhưng cách giải quyết lại đơn giản, có thể gây hụt hẫng cho những ai mang kỳ vọng cao ở hai hồi đầu. Tuy vậy theo mình đó chỉ là nhược điểm nhỏ của kịch bản, ở những đoạn còn lại vẫn mang đến cảm giác lôi cuốn khi xem, nhất là khi phim chuyển từ thể loại tình cảm sang trinh thám ghê rợn. Việc kết hợp hai yếu tố đó trong Người Vợ Cuối Cùng được Victor Vũ làm tốt, cá nhân mình không thấy phim bị gượng hay gì cả. Khi sự chèn ép đạt đến đỉnh điểm thì người ta sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả những việc phi pháp như trộm cắp, giết người chỉ cốt để đổi lại cuộc sống yên bình bên cạnh người họ yêu thương.
Phong cảnh Việt Nam xuất hiện trong phim phải nói là cực kỳ đẹp, hầu như các phim của Victor Vũ đều được đầu tư chỉn chu về phần nhìn, tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, từ Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cho tới Mắt Biếc, và giờ đây là Người Vợ Cuối Cùng; mỗi phim đều mang trong mình vẻ đẹp mê hồn đặc trưng. Bạn sẽ được thấy cảnh núi non hùng vĩ với những áng mây trôi lững lờ qua đỉnh núi mỗi buổi sáng, hay hồ nước tĩnh lặng cùng bãi bỏ xanh mướt mắt ở ven bờ. Sự đầu tư còn được thể hiện qua cảnh họp chợ, họa tiết trang trí trong phủ quan và những yếu tố đặc trưng khác như tóc búi bánh lái hoặc tóc vắn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ, các màu sắc và chất liệu phục trang khác nhau… không chỉ nhằm tôn vinh vẻ đẹp, mà còn hé lộ về tính cách của mỗi nhân vật.
Không chỉ có cái đẹp, mà những vấn đề “chưa đẹp” như việc quan ăn hối lộ, chèn ép và bóc lột dân, hay chuyện vợ cả ăn hiếp những người vợ bé cũng được thể hiện rõ ràng không chút che đậy, tạo nên sự chân thật và đó cũng là cách để phim đưa drama lên cao, tạo ra cảm giác gay cấn và hồi hộp cho khán giả.
Phim có sự góp mặt của diễn viên miền Nam cũng như miền Bắc, đem đến sự hòa hợp về văn hóa nhưng đồng thời cũng làm Khen Phim cảm thấy lấn cấn một số chỗ khi lời thoại ít sử dụng những từ mà hồi giờ mình thấy trong phim miền Bắc hay dùng, cụ thể là cách gọi “cha, mẹ” thay vì “thầy, u”. Việc xuất hiện song song giữa giọng Nam và Bắc cũng đôi khi làm mình thấy hơi lạ, nhưng không sao, phim chỉ mượn bối cảnh thời phong kiến thôi, còn câu chuyện được mô tả là giả tưởng cơ mà, đâu phải dựa trên những câu chuyện có thật đâu.
Tìm hiểu thêm: Review phim I Am Mother (Tôi Là Mẹ): Sự giả dối ngọt ngào
Diễn xuất của Kaity Nguyễn mình công nhận là có tiến bộ hơn hẳn, cảm xúc được thể hiện tốt, rõ ràng và tách bạch. Khi buồn thì ra nét thê thảm, khi vui thì cười tươi xinh đẹp, còn lúc giận dữ lại toát lên một cái gì đó ghê ghê trong ánh mắt. Trong khi đó bạn diễn là Thuận Nguyễn theo Khen Phim thấy là có hơi lép vế về diễn xuất, anh thể hiện cảm xúc chưa tốt bằng Kaity. Thế nhưng hai diễn viên chính này lại hông có làm mình ấn tượng bằng NSUT Kim Oanh (vai bà Cả), mỗi lần nghe chửi là sướng cả tai, câu nào câu đó gãy gọn, đi thẳng trọng tâm và lột tả được cái nét oai nghiêm của một người vợ lớn. Đinh Ngọc Diệp được vào vai bà Hai, chuyên tấu hài và giúp người xem đỡ ngộp khi trước đó đã phải chứng kiến quá nhiều tình tiết gay cấn. Vai thầy Đề – người giữ sổ sách (Anh Dũng) và quan tri huyện (NSUT Quang Thắng) không để lại ấn tượng, họ khá mờ nhạt về vai trò trong phim cũng như về diễn xuất khi so với dàn nhân vật còn lại.
Ngoài cảnh quay đẹp như đã đề cập bên trên, mình còn ưng cái phim này ở khâu âm nhạc, ca khúc Góc Tối được sử dụng nhiều lần, làm nền cho các tình huống cần sự cảm thông, và sau đó vang lên thật ma mị với giọng hát của nữ ca sĩ Thùy Chi, làm cho phim trở nên đẹp về phần nhìn và ưng ý về phần nghe. Cảnh nóng trong phim đúng là nóng thiệt, lột tứ tung, banh hàng các kiểu luôn ạ, nhưng nó phục vụ cho việc mô tả khát khao được hạnh phúc của người phụ nữ, chứ không hề dung tục.
Sau buổi họp báo tối ngày 31/10/2023, Khen Phim thấy phim xứng đáng để khán giả ra rạp, phim hội tụ đủ các yếu tố để hút khán giả như dàn diễn viên có tiếng, tên tuổi của đạo diễn Victor Vũ cũng như một bối cảnh đậm chất Việt Nam.
Số điểm: 7/10.
Người Vợ Cuối Cùng
Nội dung – 6
Diễn viên và diễn xuất – 7
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo – 8
7
HAY
MUA VÉ
User Rating:
4.46
( 1 votes)