Tàn Tích Quỷ Ám (Relic) là một bộ phim mà khi xem bạn sẽ cần phải động não suy nghĩ về những hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt gần 90 phút thời lượng. Đây không phải đơn thuần là một tựa phim kinh dị, mà đằng sau đó là cả một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, đó là lý do vì sao trang IMDb còn xếp phim này thuộc vào thể loại “drama”.
Bạn đang đọc: Review và giải thích một số chi tiết trong phim Relic (Tàn Tích Quỷ Ám)
Mở đầu phim là cảnh bà Edna sống trong một căn nhà rộng lớn ở giữa rừng, tiếng nước chảy từ bồn tắm xuống tầng dưới cùng với hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi đứng quay lưng trong bóng tối khiến khán giả có cảm giác bất an ngay từ những khung cảnh đầu tiên. Tiếp sau đó, cô con gái là Kay và đứa cháu là Sam đến căn nhà của bà Edna sau khi nhận được tin báo của cảnh sát rằng bà ấy đã không ra ngoài trong nhiều tuần liền, nhưng cũng chẳng có ai mở cửa khi có người ghé thăm. Khi Edna bất ngờ trở lại sau nhiều ngày mất tích, căn nhà cũ kỹ bỗng dưng bắt đầu xảy ra những hiện tượng kỳ dị khiến cả Kay và Sam như rơi vào trong hoảng loạn.
Những bạn thích thể loại phim kinh dị hù dọa giật mình các kiểu thì sẽ chán phim này, bởi cả phim chẳng có cảnh hù nào hết, cũng không hề dùng âm thanh lớn để gây giật mình. Mạch phim đi từ từ trong khoảng 1 tiếng đầu nhằm xây dựng nền móng cho cốt truyện, đồng thời “rải” dần các “manh mối” để khán giả bắt đầu động não và lắp ghép chúng lại ở cuối phim. Diễn xuất là điểm cộng cực lớn cho phim, cả 3 diễn viên cùng phối hợp ăn ý với nhau để tạo ra những biểu cảm chân thật đến ghê rợn. Sự ghê rợn ấy còn được tái hiện rõ ràng hơn thông qua những tiếng động chạy vòng vòng khắp ngôi nhà, từ trên cao, sang trái rồi bất thình lình chạy tọt sang phải nhằm bao phủ bầu không khí đen tối và ám ảnh lên khắp phòng chiếu.
Phần tiếp theo là lý giải một số chi tiết theo cách hiểu của Khen Phim và có tiết lộ một phần nội dung phim, vui lòng cân nhắc trước khi đọc tiếp.
Bộ phim này khá tối, và hầu hết các cảnh quay đều tối như vậy, nhưng đó chẳng phải là phim bị lỗi hay rạp bị hỏng máy chiếu gì cả. Đó có thể là ý đồ của nhà sản xuất muốn dùng để khơi gợi sự tăm tối và bất lực trong tâm trí của một người mắc bệnh mất trí nhớ như bà Edna. 2/3 đầu của phim tràn ngập những thứ mà ban đầu Khen Phim tưởng chừng như vô lý và chẳng liên quan gì đến câu chuyện trong phim cả, đó có thể là những mảnh giấy ghi chú khắp nhà, những âm thanh lạ mà hai mẹ con Kay và Sam nghe trong đêm, hay cụ thể hơn là những cú đập mạnh vào tường như ai đó đang bị mắc kẹt vậy. Thực ra đó là những hình ảnh ẩn dụ để mô tả những gì mà bà Edna đang trải qua. Ở đoạn cuối, khi nhân vật Sam tò mò đi vào trong một lối nhỏ để rồi bị mắc kẹt trong những bức tường, cô rất hoảng loạn, la hét và liên tục tìm cách đập vào tường để thoát ra. Các bức tường dường như ngày càng tiến lại gần nhau hơn, không gian trống ngày một nhỏ hơn và ngột ngạt hơn rất nhiều. Đấy chính là cảm giác mà bà Edna gặp phải khi trí nhớ không còn minh mẫn, bà dường như bị mắc kẹt trong chính mình, cố vùng vẫy tìm cách thoát ra bằng cách đọc những tờ giấy ghi chú và dùng vật cứng đập vào tường tìm cách thoát thân.
Chi tiết tiếp theo Khen Phim muốn lý giải cho bạn, đó là khi bà Edna cầm cuốn album ảnh chạy vào rừng, ăn ngấu nghiến chúng và sau đó chôn luôn cuốn album. Đó không phải là vì đói, mà đấy là hình ảnh ẩn dụ cho việc những ký ức tốt đẹp đang dần bị căn bệnh mất trí nhớ “ăn” mất từng ngày từng giờ. Hành động chôn những bức ảnh cũng tương tự, có nghĩa rằng những kỷ niệm tốt đẹp đang dần bị “vết đen” xâm chiếm. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy những “vết đen” ấy đầu tiên xuất hiện ở ngực, sau đó lan rộng dần cơ thể, đại diện cho căn bệnh quái ác đang biến bà thành một kẻ mục rữa, vô hồn. Liệu Kay và Sam rồi cũng sẽ có kết cục như vậy?
Tìm hiểu thêm: Đánh giá phim YOLO – Bạn chỉ nên xem phim khác
Tàn Tích Quỷ Ám cho khán giả thấy được những gì mà việc mất trí nhớ gây ra, không chỉ với chính người bệnh mà còn là cả những người xung quanh. Khán giả còn rút ra được bài học về cách chúng ta ứng xử với người lớn tuổi, nhất là ba mẹ của mình. Để kết thúc bài review, Khen Phim xin mượn một câu thoại của nhân vật Sam, ngắn thôi nhưng rất ý nghĩa: “Lúc còn nhỏ, mẹ đã mặc tã cho chúng ta; còn bây giờ chúng ta hãy mặc tã cho bà ấy”.
Relic
>>>>>Xem thêm: Review phim Cậu Vàng: Khổ đến thế là cùng!
7
Nội dung
7.0/10
Diễn viên và diễn xuất
7.5/10
Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo
6.5/10
Ưu
- Thông điệp ý nghĩa
- Cách kể chuyện ẩn dụ rất hấp dẫn
- Ám ảnh
- Diễn xuất tốt
Nhược
- Phim quá tối